có hết bệnh không nhỉ !!!
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bệnh trĩ - những điều cần biết

Go down

Bệnh trĩ - những điều cần biết Empty Bệnh trĩ - những điều cần biết

Bài gửi by tieu_tri_hoan Tue Feb 26, 2008 10:39 pm

Trĩ là một căn bệnh mặc dù gây nhiều phiền toái khó chịu, song thường thì người bệnh vẫn cứ lần lữa không đi khám. Lý do đơn giản là vì bệnh khá tế nhị, nhất là đối với phụ nữ. SSM đã mời bác sĩ Thanh Nguyện - phụ trách chữa bệnh Trĩ tại Khoa Ngoại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP HCM để giúp quý vị khán giả hiểu rõ về căn bệnh này.


CÂU HỎI


Như thế nào thì gọi là bệnh trĩ thưa bác sĩ?


BÁC SĨ


Trĩ là tình trạng giãn quá mức đám rối tĩnh mạch trực tràng, là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn. Gặp ở mọi lứa tuổi, hơn 50% số người mắc bệnh có độ tuổi trên 30. Có những thống kê cho thấy căn bệnh này chiếm tới 40% - 50% những người trên 50 tuổi. Bệnh gồm 3 loại: trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp. Và có thể chia thành 4 cấp độ nặng nhẹ:
- Độ I: trĩ nội ở trong hậu môn.
- Độ II: trĩ sa ra ngoài khi rặn đi ngoài sau đó tự co lên.
- Độ III: trĩ sa ra ngoài không tự co lên được phải lấy tay đẩy lên.
- Độ IV: Trĩ sa liên tục thường xuyên ngoài hậu môn.


CÂU HỎI


Bác sĩ có thể nói rõ những triệu chứng của căn bệnh này như thế nào ?


BÁC SĨ


Một số triệu chứng điển hình của bệnh trĩ:
* Chảy máu hậu môn, đại tiện ra máu tươi: Đó là triệu chứng thường gặp nhất và sớm nhất của bệnh trĩ. Lúc đầu máu chảy ít, kín đáo nên người bệnh không để ý. Về sau máu ra nhiều hơn, thành giọt. Nặng hơn thì cứ ngồi xổm đại tiện là máu chảy ra.
* Đau và ngứa, có cảm giác khó chịu ở hậu môn: Nếu mới bị thì có thể không đau hoặc đau ít. Đau càng nhiều khi có biến chứng sưng, viêm nhiễm, tắc mạch ở búi trĩ và sa ra ngoài hoặc có nứt hậu môn. Rỉ nước và ngứa vùng hậu môn do viêm ống hậu môn.
* Sưng nề vùng hậu môn: khi có đợt cấp hoặc khi trĩ sa ra ngoài nếu là trĩ nội hoặc trĩ ngoại, có thể búi trĩ sưng khá to và ta có thể sờ thấy dễ dàng.


Muốn xác định chắc chắn bệnh trĩ, ngoài việc nhìn, sờ nếu thấy búi trĩ sa ra ngoài, cần phải thăm khám trực tràng hậu môn bằng cách thăm trực tràng và soi ống hậu môn. Qua soi sẽ xác định được độ tổn thương của búi trĩ, số lượng búi trĩ, kích thước và vị trí các búi trĩ.


Do triệu chứng chính thường dẫn bệnh nhân đến khám là chảy máu, sa trĩ và đau là các triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nên dễ lầm lẫn nếu không đi khám. Với triệu chứng chảy máu có bệnh ung thư hậu môn trực tràng cũng cho triệu chứng giống như vậy, nếu bệnh nhân cứ cho là mình bị bệnh trĩ không đi khám đến khi ung thư phát triển to thì không còn khả năng điều trị được. Ngoài ung thư, hậu môn trực tràng có bệnh cũng cho dấu hiệu chảy máu như vậy là polype trực tràng, đây là bệnh cần can thiệp cắt bỏ thì mới hết bệnh chứ không thể điều trị bằng thuốc. Búi trĩ sa ra ngoài thường lầm với sa trực tràng, và hai bệnh này có cách điều trị khác nhau. Cho nên khi có những triệu chứng như vậy tốt nhất người bệnh cần đi khám để chữa bệnh tốt nhất.


CÂU HỎI


Vậy nguyên nhân của căn bệnh này do đâu thưa bác sĩ?


BÁC SĨ


Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:


• Táo bón kinh niên: Những bệnh nhân này mỗi khi đi cầu rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
• Hội chứng lỵ: Những bệnh nhân bị bệnh lỵ mỗi ngày đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.
• Tăng áp lực ổ bụng: Những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, những bệnh nhân dãn phế quản, phải ho nhiều, những người làm lao động nặng như khuân vác... làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.
• Tư thế đứng: khi nghiên cứu áp lực tĩnh mạch trĩ, người ta ghi nhận áp lực tĩnh mạch trĩ là 25cm H2O ở tư thế nằm, tăng vọt lên 75cm H2O ở tư thế đứng. Vì vậy, tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may v…v…
• U bướu hậu môn trực tràng và vùng chung quanh: như ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ. Trong những trường hợp này, trĩ được tạo nên do những nguyên nhân cụ thể, rõ ràng nên được gọi là trĩ triệu chứng, khi điều trị ta phải điều trị nguyên nhân chứ không trị như bệnh trĩ.
• Yếu tố gia đình, di truyền, Phụ nữ có thai, sinh đẻ, ít hoạt động, ăn ít rau, uống ít nước cũng dễ gây ra bệnh trĩ.


CÂU HỎI


Hiện nay có các phương pháp điều trị bệnh trĩ như thế nào thưa bác sĩ


BÁC SĨ


Có ba hướng điều trị bệnh trĩ, một là bằng các phương pháp nội khoa, dễ thực hiện nhất, hai là điều trị bằng các thủ thuật như chích xơ hoặc làm đông bằng nhiệt, thắt trĩ bằng vòng cao su hay quang đông hồng ngọai… và sau cùng là phẫu thuật, phương pháp này chỉ nên được xem là phương sách cuối cùng khi các phương pháp kể trên không hiệu quả, bởi vì phẫu thuật can thiệp vào giải phẫu học và sinh lý học nên có thể kèm theo các di chứng nặng nề khó sửa chữa.


CÂU HỎI


Bác sĩ có thể nói rõ hơn về hướng điều trị nội khoa? Vì hướng này có vẻ điều trị nhẹ nhất cho người bệnh.


BÁC SĨ


Vệ sinh tại chỗ tốt bằng phương pháp ngâm nước ấm pha một chút muối 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.


Thuốc uống: gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch, dẫn xuất từ flavonoid. Cơ chế tác động của các thuốc này là làm gia tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.


Thuốc tại chỗ: gồm các loại thuốc mỡ (pommade) và đạn dược (suppositoire) bao gồm các tác nhân kháng viêm, vô cảm tại chỗ và dẫn xuất trợ tĩnh mạch.Tuy nhiên người bị bệnh cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng và sử dụng thuốc phù hợp. Không nên dùng thuốc bừa bãi, gây nhiều tai biến nhiễm trùng, áp xe, chảy máu. Đã có trường hợp bệnh nhân tự ý đắp các lọai thuốc nam, hậu quả là chỉ sau 6 ngày đắp thuốc tòan bộ phần hậu môn của bệnh nhân đã bị họai tử hòan tòan. Đến khi nhập viện đã ở trong tình trạng hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng.


Trĩ có quan hệ nhân quả với hệ tiêu hóa và tất cả các hệ thống trong cơ thể. Do đó, cần phối hợp điều trị toàn diện, bệnh nhân cần dùng nhiều rau có tác dụng nhuận trường như diếp cá, khoai lang, rau má, đu đủ, mướp… uống nhiều nước, sinh hoạt điều độ, các họat động thể dục thể thao cũng góp phần điều trị bệnh trĩ.


CÂU HỎI


Vậy bác sĩ có những lời khuyên gì cho khán giả để tránh căn bệnh này cũng như cho những người đang bị bệnh?


BÁC SĨ
• Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày, vào một giờ nhất định, tránh rặn mạnh, rặn lâu khi đại tiện
• Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà.
• Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu.
• Uống nước đầy đủ.
• Ăn nhiều chất xơ.
• Vận động thể lực: nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…
• Trong công việc không nên ngồi hay đứng quá lâu, cũng như quá gắng sức làm tăng áp lực trong ổ bụng.
• Điều trị các bệnh mãn tính hiện có như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ …
tieu_tri_hoan
tieu_tri_hoan
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 40
Age : 44
Registration date : 09/12/2007

https://benhtri.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết